Trong quá trình tập luyện để giảm cân và cải thiện sức khỏe, chúng ta vì muốn đẩy nhanh tiến độ nên đôi khi tập luyện quá khả năng của bản thân. Đây là một vấn đề khá nguy hiểm có thể dẫn đến những biến chứng như đột quỵ.
Tập luyện cùng với chế độ ăn uống và ngủ nghỉ là ba yếu tố quan trọng, giúp chúng ta có một sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lai Zhun Neay, Chuyên Khoa nội tại Phòng khám Raffles Medical Việt Nam, việc kiểm soát tập luyện một cách đúng đắn đóng vai trò quan trọng nhất, để tránh những nguy hiểm do cố gắng quá sức.
Theo bác sĩ Lai, mọi người đều ý thức được rằng việc tập luyện thể chất vô cùng cần thiết cho cơ thể tuy nhiên đa số sẽ không hành động cho đến khi hay tin những trường hợp mất vì bệnh tật do lối sống không lành mạnh. “Tôi nghĩ đa số mọi người đều bắt đầu luyện tập từ những tình huống như vậy. Tuy vậy, trước khi khởi đầu, chúng ta nên kiểm tra sức khỏe tổng quát trước. Cơ thể chúng ta như một chiếc xe vậy, khi bạn muốn đưa nó vào đường đua F1, hãy đảm bảo rằng mọi thứ đều vận hành ổn thỏa để tránh những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt là những người trên 40 tuổi”.
Nắm bắt được tình tình sức khỏe của bản thân sẽ giúp ích rất nhiều cho chúng ta trong cuộc sống cũng như việc tập luyện. Cụ thể hơn, người có bệnh lý sẽ hiểu rõ về giới hạn của bản thân, từ đó có những bài tập phù hợp hơn. “Một người có vấn đề về tìm mạch không nên cố gắng chạy quá mức, nếu họ tự thúc ép bản thân sẽ vô tình gây nguy hiểm cho chính mình”, bác sĩ Lai cho biết.
Trong thời đại công nghệ hiện đại ngày nay, các thiết bị theo dõi sức khỏe như đồng hồ thông minh hay thiết bị đeo tay thông minh có thể trở thành một trợ thủ đắc lực trong việc tập luyện. Với các sản phẩm có cảm biến hiện đại, chúng có thể đưa ra những thông tin hữu ích và chính xác, đặc biệt là nhịp tim. “Khi bạn thấy nhịp tim của bản thân tăng gấp đôi so với bình thường, đó là một điều không hề bình thường. Giả dụ nhịp tim bình thường của bạn là 80, nhưng bạn cố gắng quá mức và khiến con số đó tăng lên 160, lúc đó tôi nghĩ bạn nên nghỉ ngơi hoặc tập chậm lại”, bác sĩ Lai chia sẻ.
Ông Dane Fort, Tổng Giám đốc của FLG Việt Nam, tập đoàn sở hữu thương hiệu thể dục thể hình California Fitness & Yoga, chia sẻ: “Tập luyện là một quá trình lâu dài, bạn không thể khỏe chỉ sau vài ngày dù có luyện tập với cường độ cao đến mấy. Thay vào đó, hãy hiểu rõ cơ thể của mình, tập luyện có kế hoạch và tốt hơn hết hãy làm việc với các chuyên gia về sức khỏe để có được những lời khuyên và bài tập thật sự phù hợp cho bản thân”.
Giải pháp bắt đầu với huấn luyện viên cá nhân (PT) khi luyện tập là một lựa chọn đáng cân nhắc. PT tại các trung tâm thể dục thể hình có tiếng là những người có kinh nghiệm luyện tập lâu năm và được đào tạo bài bản, vì vậy họ có thể đưa ra những bài tập phù hợp với thể trạng của mỗi người. Sự theo dõi sát sao của PT cũng khiến bạn an tâm trong tập luyện, tránh những rủi ro có thể xảy ra do người tập không hiểu rõ tác dụng của bài tập hoặc tự thúc đẩy bản thân quá mức.
Theo ông Dane, có ba thành phần chúng ta cần chú ý đến khi tập luyện, bao gồm: lõi (core) và sức bền (stamina), sự linh hoạt (flexibility) và nhanh nhẹn (agility), sức mạnh (strength). Nếu như các bài tập lõi và sức bền giúp tăng sự bền bỉ, là một phần không thể thiếu của quá trình phục hồi, thì các bài tập linh hoạt và nhanh nhẹn giúp cơ thể chúng ta dẻo dai, giảm thiểu rủi ro chấn thương. Trong khi các bài tập sức mạnh giúp tăng cường sức lực về thể chất. Một giáo án tập luyện tốt nên bao hàm đủ cả ba thành phần này để cải thiện tổng thể sức khỏe của cơ thể.
Tập luyện là một hoạt động tốt cho sức khỏe và cần được duy trì, tuy nhiên, việc theo dõi sức khỏe khi tập luyện cũng đóng một vai trò quan trọng để đảm bảo sự an toàn của mỗi cá nhân. Vì vậy, trước khi tập luyện, bạn phải hiểu rõ cơ thể mình, làm việc với chuyên gia sức khỏe nếu cần thiết. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn khi tập luyện để có những bài tập vừa sức, tăng mức độ dần lên để cơ thể làm quen; đồng thời sử dụng thiết bị theo dõi sức khỏe để nắm bắt được tình hình của cơ thể khi tập luyện.
— PV. Trường Thịnh —