Bệnh Tay Chân Miệng

Bệnh tay chân miệng (HFMD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Coxsackie và Enterovirus gây ra. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất bởi lúc này hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Trẻ lớn hơn và người lớn cũng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ thấp hơn. Ở vùng ôn đới, bệnh xảy ra nhiều nhất là vào mùa hè và đầu mùa thu. Riêng những quốc gia thuộc vùng có khí hậu nhiệt đới, bệnh có thể xảy ra quanh năm.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh tay chân miệng

Các triệu chứng sau đây có thể xuất hiện 3 – 5 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn lây:
• Nổi mụn nước nhỏ ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và mông
• Đau họng và xuất hiện các vết loét miệng, lưỡi
• Sốt
• Sổ mũi
• Nôn mửa và tiêu chảy
• Ăn mất ngon

Về lâm sàng, các dấu hiệu đặc trưng của bệnh có thể được nhận biết qua 4 giai đoạn sau:
* Giai đoạn ủ bệnh: khoảng 3 – 7 ngày, trẻ chưa có các dấu hiệu cụ thể.
* Giai đoạn khởi phát: từ 1-2 ngày với các triệu chứng như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
* Giai đoạn toàn phát: có thể kéo dài 3 – 10 ngày, với các triệu chứng điển hình như:
* Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường nào?

Bệnh có khả năng lây lan nhanh qua đường tiêu hóa và hô hấp, cụ thể:
• Dịch tiết mũi hoặc họng (nước bọt, nước mũi, đờm…).
• Chất lỏng bên trong mụn nước.
• Các giọt hô hấp bắn vào không khí sau khi ho hay hắt hơi.
• Chất thải từ cơ thể người bệnh (chẳng hạn như phân).
• Tiếp xúc với các vật dụng bị nhiễm virus từ người bệnh như đồ chơi, tay nắm cửa rồi đưa lên mắt, mũi, miệng.

Bệnh tay chân miệng có biến chứng không?

Tay chân miệng là 1 trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ mắc và tử vong cao Việt Nam. Bệnh thường tự khỏi và không đe dọa tới sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên trong một số trường hợp bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ.
Biến chứng thường gặp nhất là mất nước. Bệnh có thể gây ra các vết lở, loét trong miệng và cổ họng khiến việc nuốt gặp khó khăn và đau đớn, do đó trẻ thường lười ăn, uống,…
Hiếm gặp hơn, một vài trường hợp virus gây bệnh có thể ảnh hưởng đến não và gây ra các biến chứng thần kinh nghiêm trọng như viêm màng não, viêm não… Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây ra biến chứng đến hô hấp tuần hoàn.

Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng

Bệnh chân tay miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu. Mục tiêu điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và các biện pháp điều trị tích cực đối với những trường hợp nặng bị suy tuần hoàn, suy hô hấp. Hầu hết các trường hợp bị tay chân miệng thông thường đều có khả năng tự phục hồi trong vòng 7–10 ngày.
Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển biến nặng như: sốt cao từ 38 độ C trở lên; thở mệt; giật mình, rung chi, chới với, quấy khóc, bứt rứt, đi loạng choạng; ngủ nhiều, li bì; co giật, hôn mê; cần được đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể để được điều trị.

Cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng

• Giữ vệ sinh cá nhân: người lớn và trẻ em thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
• Giữ vệ sinh ăn uống: Thức ăn cho trẻ và gia đình cần đầy đủ dinh dưỡng, ăn chín, uống chín. Những vật dụng trong nhà bếp cần được rửa sạch trước khi dùng. Không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm đồ chơi, không cho trẻ dùng chung khăn ăn, vật dụng ăn uống chưa được khử trùng.
• Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt: Nhà trẻ, trường học và hộ gia đình cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ những bề mặt tiếp xúc hàng ngày như bàn ghế, đồ chơi, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, sàn nhà, dụng cụ học tập bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
• Theo dõi và phát hiện sớm
• Cách ly và điều trị kịp thời khi mắc bệnh

Nếu trẻ có những dấu hiệu bệnh như trên, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay để sớm được chẩn đoán bệnh và điều trị phù hợp.

TIN MỚI

TIN MỚI