Bạn hoảng sợ khi thấy ngực bị sưng hoặc nổi u cục? Tin tốt là 9/10 các khối ở vú không phải ung thư. Trong quá trình phát triển và theo chu kỳ sinh lý, các mô vú có thể thay đổi và tạo nên các khối lành tính ở vú. U vú lành tính thường không cần điều trị, trừ khi khối u quá lớn, hoặc tăng kích thước nhanh hoặc gây đau/khó chịu.
Bác sỹ có thể chỉ định thuốc giảm đau hoặc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn gây nổi u. Trong một số trường hợp, bác sỹ có thể chọc hút dịch hoặc mủ trong khối u. Bệnh nhân sẽ được gây tê giảm đau tại chỗ khi chọc hút dịch. Bác sỹ cũng có thể làm tiểu phẫu để lấy khối u ra nếu cần. Bệnh nhân làm tiểu phẫu sẽ được gây mê toàn thân và nằm viện theo dõi trong ngày.
Hình ảnh thường thấy của khối u hoặc vú bị sưng
Khối đơn độc, đặc bên ngoài, có dịch bên trong
Thường là u nang. Khối rắn hình ovan và thường là khối đơn độc. Nên làm sinh thiết để loại trừ khối u ác tính (ung thư vú).
Ngực sưng, có khối lổn nhổn
Khoảng 14 ngày trước kỳ kinh, bạn có thể thấy ngực có khối lổn nhổn. Căng thẳng, ăn mặn hoặc uống nhiều cà phê cũng có thể là nguyên nhân làm ngực đau & nổi khối.
Khối đặc, cứng, không di động và tấy đỏ.
Thường là viêm hoặc áp xe do nhiễm trùng. Nếu thấy hiện tượng này kèm đau và sốt, bạn nên khám bác sỹ sớm.
Khối tròn nhỏ, đặc và di động.
Thường là u xơ tuyến, là loại u lành tính và không gây đau, sờ thấy giống quả bóng cao su nhỏ di động dưới mô vú. Bạn nên khám bác sỹ và làm sinh thiết để xác định đây chắc chắn là khối u lành tính.
Hướng dẫn tự khám vú
Mục đích của việc tự khám vú là để phát hiện những thay đổi & phát triển về cấu trúc giải phẫu cũng như giảm nguy cơ các thay đổi này phát triển thành ung thư vú chứ không phải biến bạn trở thành bác sỹ tự điều trị cho mình. Có nhiều cách tự khám vú, tư thế khác nhau sẽ cho bạn những góc khám khác nhau. Dưới đây là một số cách khám phổ biến.
Đứng trước gương. Quan sát vú ở tư thế giơ 2 tay lên cao, đưa tay xuống và chống tay ở 2 bên hông, xem bề mặt da có chỗ nào bị lõm, nhăn hoặc đổi màu.
Khi tắm. Dùng 3 hoặc 4 ngón tay bên trái, ấn nhẹ đồng thời xoay tay theo hình tròn ở vú phải và vùng lân cận. Đổi tay thăm khám bên kia. Bóp nhẹ núm vú xem có tiết dịch không.
Khi nằm. Thay vì khám trong khi tắm, bạn có thể thực hiện các động tác tương tự với tư thế nằm. Nhớ kiểm tra núm vú.
Làm gì với những dấu hiệu bất thường ở vú?
Không nên chủ quan khi tự khám vú thấy có bất thường. Bạn nên khám bác sỹ, chụp nhũ ảnh, siêu âm vú hoặc sinh thiết theo chỉ định của bác sỹ. Theo dõi kỹ các khối u xem có thay đổi, tiến triển gì không vì nang xơ vú có thể tiến tiển thành ung thư… Thường xuyên tự thăm khám tại nhà và khám bác sỹ ít nhất mỗi năm một lần. Thông báo ngay cho bác sỹ khi thấy có bất kể sự thay đổi nào ở vú.
Nguồn: Bệnh viện Raffles, Singapore
Nguồn tham khảo: https://www.rafflesmedicalgroup.com/health-resources/health-articles/decoding-breast-lumps-bumps/