Nhân dịp tham gia hội thảo BSGĐ tại đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM vừa qua, bác sĩ Ong Kian Soon đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển BSGĐ tại một đất nước khá gần gũi với Việt Nam. Ông nói:
“Trong thực tế, Singapore phải đối mặt cùng một vấn đề như nhiều quốc gia khác, đó là mang đến những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng mà mọi người dân đều tiếp cận được. Tuy nhiên, hình thái dân số những năm qua ở Singapore đang thay đổi nhiều, người dân già hoá nhanh, về hưu và thu nhập thấp. Ngoài ra, cũng có một bộ phận trong xã hội là công nhân di cư, đồng lương không nhiều. Vì thế, Chính phủ Singapore phải nghĩ đến việc xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khoẻ sao cho mọi người đều tiếp cận được, một hệ thống mà giá cả tương đối thấp nhưng chất lượng vẫn cao.
Và bác sĩ gia đình giúp giải quyết được chuyện này?
Đúng thế, Singapore hiện có 5,4 triệu dân, với 10.225 bác sĩ, nhưng trong đó 62% bác sĩ làm việc trong hệ thống phòng khám BSGĐ. Các phòng khám này mang lại cho người dân những dịch vụ chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao, nhưng giá cả phải chăng. Một thí dụ minh hoạ: chi phí để tiểu phẫu một u mỡ hay u bã đậu ở bệnh viện tư của Singapore là 3.000 – 4.500 đôla Singapore, ở bệnh viện công là 600 – 1.000 đôla, nhưng tại một phòng khám BSGĐ chỉ là 150 – 200. Lý do chi phí điều trị ở phòng khám BSGĐ thấp vì những cơ sở này không cần đến trang thiết bị phức tạp và tốn kém, cũng như không cần nhiều nhân viên như tại bệnh viện. Ở phòng khám BSGĐ, người bác sĩ làm hết mọi chuyện, nên tiết kiệm được nhân lực. Ngoài chi phí thấp, phòng khám BSGĐ cũng mang đến sự tiện lợi, bởi nó không chỉ có mặt ở những trung tâm lớn mà còn rải đều ở mọi nơi có người dân sống, ai có nhu cầu khám chữa bệnh là tìm được ngay.
Lợi ích của BSGĐ không chỉ như thế?
BSGĐ chăm sóc bệnh nhân mọi lứa tuổi và tình trạng bệnh, và có thể quản lý được hơn 90% vấn đề sức khoẻ thông thường mà phần lớn bệnh nhân đối mặt. Nếu được một BSGĐ có trình độ quản lý, trong 100 bệnh nhân chỉ có 1 – 2 bệnh nhân cần chuyển đến những bệnh viện chuyên khoa để điều trị sâu hơn.
Do phần lớn những vấn đề sức khoẻ thông thường được quản lý tốt ở phòng khám BSGĐ nên bệnh nhân nhập viện giảm đáng kể, bệnh viện không bị quá tải. Phòng khám BSGĐ ở Singapore là điểm tiếp xúc chính khi người dân có bệnh. Mọi thông tin y khoa được dự trữ trong một bệnh án duy nhất, vì thế bệnh nhân không cần kể đi kể lại bệnh sử của mình nhiều lần với những bác sĩ khác nhau.
Nói nôm na, phòng khám BSGĐ là “cửa hàng tiện lợi”?
Có thể như thế, vì nó được thiết kế và lên kế hoạch để trở thành “cửa hàng một điểm dừng” (one stop shop). Trong mô hình y học gia đình của chúng tôi, người BSGĐ có sự hỗ trợ của nhiều đồng nghiệp khác nhau, ngoài ra phòng khám cũng liên kết công nghệ thông tin sao cho BSGĐ có thể tham khảo được thông tin sức khoẻ bệnh nhân từ nhiều nguồn khác nhau, như kết quả xét nghiệm, phim X-quang, và thậm chí hồ sơ bệnh án từ bệnh viện mà bệnh nhân đã từng điều trị. Điều này sẽ làm giảm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Chẳng hạn trong bệnh tiểu đường, bệnh nhân cần được theo dõi đường huyết, tư vấn về dinh dưỡng đều đặn, chưa kể còn phải được tầm soát mắt, huyết áp, nước tiểu vì bệnh này thường kết hợp với bệnh mắt, tim mạch, cao huyết áp, bệnh thận. Nếu đến từng bác sĩ chuyên khoa kiểm tra, chi phí bệnh nhân bỏ ra sẽ rất cao, chỉ người giàu mới làm được. Thế nhưng với “cửa hàng một điểm dừng”, BSGĐ có thể cung cấp cho bệnh nhân dịch vụ chăm sóc sức khoẻ thoả đáng, ít tốn kém mà chất lượng vẫn cao.
Y học gia đình, dưới mắt của nhiều người, đó không phải là một chuyên ngành danh giá, và người BSGĐ cũng được xem là có thu nhập thấp so với những chuyên ngành khác. Thực tế ở Singapore như thế nào?
Đúng như thế, do vấn đề lịch sử nhiều người hiện nay vẫn quan niệm bác sĩ đa khoa (nghĩa là BSGĐ) không có tay nghề cao và tài năng như những bác sĩ chuyên ngành khác. Nhưng đây là suy nghĩ không có cơ sở. Một BSGĐ nếu được huấn luyện tốt sẽ là người có thể thực hành mọi lĩnh vực y khoa, chứ không phải một lĩnh vực như bác sĩ chuyên khoa khác. BSGĐ thường là người hỗ trợ đầu tiên khi người ta mắc bệnh và cũng là người sau cùng khám bệnh nhân, cung cấp sự chăm sóc từ khi con người lọt lòng cho đến khi họ qua đời. Còn chuyện thu nhập thấp, không hẳn như thế. Nếu một BSGĐ tạo dựng được tiếng tăm và uy tín trong cộng đồng, họ sẽ có nhiều bệnh nhân, như thế thu nhập của họ cũng sẽ tăng lên. Cần nhớ là tại Singapore, theo quy định, mọi bệnh nhân có bệnh phải đi qua cửa BSGĐ trước khi được chuyển đến các bác sĩ chuyên khoa khác. BSGĐ chính là người gác cửa.
“Nghịch lý” y tế tại Singapore
Chi phí cho y tế trên GDP của Singapore chỉ khoảng 4,5%, thấp hơn Việt Nam, và thua xa Anh, Mỹ. Thế nhưng ở đất nước này tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh lại thấp thứ hai thế giới, người dân có tuổi thọ trung bình 81 tuổi (cao thứ 9 thế giới). Trong năm 2013, theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), Singapore đứng thứ 6 thế giới về chất lượng chẩn đoán và điều trị, dịch vụ phục vụ bệnh nhân hoàn hảo cùng chi phí điều trị phải chăng. BSGĐ là một trong những yếu tố chủ chốt tạo ra điều này.
(Trích bài phỏng vấn BS Ong Kian Soon, đăng trên báo 24h.com.vn)