Điều trị tia xạ (còn gọi là Xạ trị) có thể là phương pháp điều trị đơn lẻ hoặc được chỉ định kết hợp với các liệu pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật, hóa trị và liệu pháp miễn dịch. Mỗi kế hoạch điều trị ung thư đều khác nhau và được cá thể hóa cho từng bệnh nhân, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể. Việc tìm hiểu và nắm rõ về các phương pháp xạ trị có thể giúp bạn hoặc người thân cảm thấy sẵn sàng và an tâm hơn trong hành trình điều trị ung thư.
Xạ trị là gì?
Xạ trị (Radiation Therapy – RT) là việc sử dụng tia bức xạ ion hóa để điều trị bệnh nhân ung thư. Phương pháp này có thể được sử dụng để chữa trị hoặc kiểm soát ung thư, cũng như giảm nhẹ các triệu chứng đau và chảy máu.
Xạ trị là kỹ thuật dùng máy gia tốc tuyến tính (LINAC), tạo ra các tia bức xạ được định hình theo kích thước và hình dạng của khối u. Điều này giúp giảm liều bức xạ đến các mô khỏe mạnh xung quanh khối u trong khi đảm bảo liều tối đa đến mục tiêu cần điều trị.
Kế hoạch xạ trị được xây dựng tùy chỉnh cho từng bệnh nhân một cách cẩn trọng để tránh quá liều vào các cơ quan lân cận. Xạ trị được thực hiện qua một số buổi điều trị gọi là các phân liều (fractions). Tổng số phân liều cần thiết có thể dao động từ một đến hơn 30 lần, tùy thuộc vào loại ung thư và mục đích điều trị. Thông thường, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng tia xạ một lần mỗi ngày, trong năm ngày liên tiếp từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Ví dụ về kế hoạch xạ trị tùy chỉnh
Quy trình Xạ trị
Khám ban đầu
Bệnh nhân khám với bác sĩ xạ trị ung thư để đánh giá tình trạng lâm sàng và thảo luận liệu xạ trị có hiệu quả hay không. Loại kỹ thuật, quy trình và các tác dụng phụ dự kiến cũng sẽ được trao đổi trong buổi tư vấn. Sau khi phương pháp điều trị được xác định, một loạt các cuộc hẹn sẽ được lên lịch.
Cố định
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần đến dụng cụ cố định để định vị chính xác vị trí của trong quá trình mô phỏng và điều trị. Dụng cụ này có thể là khung cố định mặt cho xạ trị vùng đầu và cổ hoặc Vac-Lok cho vùng ngực. Dụng cụ này sẽ được chế tạo và tùy chỉnh cho bệnh nhân trước khi bắt đầu mô phỏng.
Dụng cụ cố định được đúc riêng theo hình dáng mỗi bệnh nhân.
Mô phỏng với Cắt lớp vi tính (CT)
Mô phỏng CT (CT Simulation) là quy trình chụp CT để định vị vùng điều trị, giúp bác sĩ xác định và lập bản đồ khu vực điều trị. Bệnh nhân có thể được tiêm chất cản quang để hình ảnh CT của một số cấu trúc được rõ nét hơn.
Bệnh nhân sẽ được đánh dấu trên da bằng các loại bút mực không trôi để hỗ trợ bác sĩ xạ trị việc định vị cho các lần chiếu xạ. Bệnh nhân cũng được đánh dấu với các nốt xăm nhỏ trên da. Vết mực có thể được rửa sạch với nước & xà phòng trong khi nốt xăm không rửa sạch được. Các vết đánh dấu và hình xăm này rất quan trọng để xác định chính xác khu vùng điều trị và độ chính xác cao cần thiết cho điều trị xạ trị.
Kế hoạch Xạ trị
Sau khi mô phỏng hoàn tất, hình ảnh CT sẽ được bác sĩ xạ trị sử dụng để xác định khu vực điều trị và các cơ quan xung quanh. Kỹ sư vật lý y khoa sử dụng phần mềm tiên tiến để xây dựng kế hoạch điều trị cho từng bệnh nhân. Quá trình lập kế hoạch và kiểm tra đảm bảo chất lượng cho mỗi kế hoạch điều trị thường mất vài ngày làm việc, tùy thuộc vào độ phức tạp của phương pháp điều trị.
Thực hiện Xạ trị
Điều trị tia xạ thường được thực hiện hàng ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu, liệu trình điều trị có thể kéo dài từ một ngày đến vài tuần. Mỗi phiên điều trị thường mất từ 10 đến 30 phút, tùy thuộc vào độ phức tạp của kế hoạch điều trị.
Mỗi buổi điều trị thường bắt đầu bằng chụp CT để xác nhận vị trí điều trị trước khi chiếu xạ. Bệnh nhân sẽ được đánh giá hàng tuần bởi bác sĩ xạ trị để theo dõi tiến trình điều trị và xử lý bất kỳ tác dụng phụ nào có thể xảy ra trong suốt quá trình điều trị.
Hẹn tái khám
Khi kết thúc liệu trình xạ trị, bệnh nhân sẽ tái khám với bác sĩ chuyên xạ trị ung thư để được tiếp tục theo dõi.
Tác dụng phụ của Xạ trị
Tác dụng phụ của xạ trị có thể khác nhau giữa các bệnh nhân. Loại và mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ mà bệnh nhân gặp phải phụ thuộc vào vị trí và diện tích vùng điều trị cũng như liều bức xạ. Một số bệnh nhân có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, trong khi những người khác có thể gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng.
Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm mệt mỏi và biến đổi trên da. Bác sĩ xạ trị sẽ thảo luận về các tác dụng phụ khác liên quan đến khu vực điều trị. Việc thông báo cho bác sĩ xạ trị hoặc nhân viên y tế về những tác dụng phụ bạn gặp phải là rất quan trọng để bệnh nhân được tư vấn cách xử lý phù hợp.
Hãy luôn trao đổi với đội ngũ chăm sóc y tế nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về sức khỏe và tư vấn bác sĩ nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường hoặc khó chịu nào.
Nguồn tham khảo: https://www.rafflesmedicalgroup.com/health-resources/health-articles/how-radiotherapy-works/