Trung bình, cứ ba người ở Singapore thì có một người sẽ được chẩn đoán mắc ung thư vào một thời điểm nào đó trong đời, và khoảng một phần tư số ca tử vong ở Singapore là do ung thư gây ra. Một số người trong chúng ta có thể đã trải qua trường hợp một người thân yêu hoặc một người quen được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.
Tế bào ung thư xuất phát từ các tế bào bình thường trong cơ thể. Việc tiếp xúc liên tục với các chất như ô nhiễm môi trường, hút thuốc lá và phóng xạ có thể gây tổn hại đến DNA trong các tế bào bình thường và khiến chúng biến đổi thành tế bào ung thư.
Các tế bào trong cơ thể chúng ta có một cơ chế nội sinh để sửa chữa tổn thương DNA và ngăn chặn sự hình thành các tế bào ung thư. Tuy nhiên, đôi khi cơ chế phòng vệ này có thể trục trặc. Và đó là thời điểm ung thư có thể phát triển.
Có thể phòng ngừa được ung thư không?
Khởi điểm của ung thư là khi các đột biến DNA xuất hiện trong các tế bào. Có nhiều yếu tố có thể gây ra ung thư, trong đó nhiều yếu tố đã được phát hiện nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến. Một số yếu tố không thể thay đổi, chẳng hạn như các đặc điểm di truyền nhất định và tuổi tác. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ khác mà chúng ta có thể thay đổi để giảm nguy cơ ung thư, bao gồm thay đổi lối sống như giảm tiêu thụ rượu, không hút thuốc hoặc bỏ thuốc, duy trì cân nặng khỏe mạnh, hoạt động thể chất đều đặn và tránh phơi nắng quá mức.
Một số bệnh nhiễm trùng cũng có thể dẫn đến ung thư. Ví dụ, nhiễm vi-rút HPV có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư vùng đầu và cổ, và ung thư hậu môn. Nhiễm viêm gan virus B và C cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan. Do đó, tiêm vắc-xin phòng ngừa các loại vi-rút này giúp ngăn ngừa sự phát triển của những loại ung thư này.
Sàng lọc ung thư cũng là một công cụ quan trọng để phát hiện sớm ung thư cũng như những tổn thương chưa trở thành ung thư. Ví dụ, sàng lọc ung thư vú có thể phát hiện ung thư biểu mô ống tại chỗ (DCIS), loại ung thư có thể được điều trị trước khi trở thành ung thư xâm lấn. Tương tự, sàng lọc nội soi đại tràng giúp phát hiện và loại bỏ các polyp ở đường ruột trước khi chúng trở thành ung thư.
Chúng ta đã đạt được tiến bộ nào trong cuộc chiến chống ung thư ?
Những tiến bộ vượt bậc trong công nghệ y học đồng nghĩa với việc bệnh nhân ung thư ngày nay có thời gian sống dài hơn và có cơ hội được chữa khỏi cao hơn.
Chúng ta có thể phân tích các đặc điểm phân tử của ung thư ở mỗi bệnh nhân để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng người. Điều này cũng cho phép sử dụng các loại thuốc nhắm mục tiêu, hoạt động trên các đột biến cụ thể trong tế bào ung thư. Những loại thuốc này có thể tiêu diệt tế bào khối u hoặc ngăn chặn sự phát triển của khối u mà ít ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể, giảm thiểu tác dụng phụ. Điều này dẫn đến hiệu quả điều trị tốt hơn và ít tác dụng phụ hơn so với hóa trị truyền thống ở một số bệnh nhân.
Sự phát triển của liệu pháp miễn dịch ung thư trong những năm gần đây cũng mang lại những cải thiện đáng kể về thời gian sống cho bệnh nhân ung thư. Đây là phương pháp giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể tiêu diệt ung thư. Các nghiên cứu được tiến hành liên tục để xác định những bệnh nhân nào đáp ứng tốt nhất với phương pháp điều trị này.
Nhiều tiến bộ trong các mô thức điều trị ung thư khác cũng cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân ung thư. Ví dụ, các kỹ thuật xạ trị hiện đại đã nâng cao hiệu quả của liệu pháp xạ trị, đồng thời giảm đáng kể các tác dụng phụ. Phẫu thuật robot cũng là một lựa chọn mới, cho phép phẫu thuật chính xác hơn, thời gian hồi phục ngắn hơn và cải thiện kết quả lâm sàng.
Những tiến bộ này mang đến sự lạc quan trong hành trình không ngừng nghỉ của chúng ta nhằm tìm ra các phương pháp điều trị ung thư tốt hơn và hiệu quả hơn.
Nguồn tham khảo: https://www.rafflesmedicalgroup.com/health-resources/health-articles/cancer-happens-to-1-in-3-singaporeans/