Ung thư Vú ở phụ nữ dưới 35 tuổi

Những năm gần đây, ngày càng có nhiều người trẻ tuổi bị ung thư vú, trong đó số bệnh nhân tuổi dưới 35 tăng gấp đôi. Số liệu này (ở Singapore) cũng phù hợp với xu hướng thế giới theo thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa kỳ.

Nhóm bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi có các nhu cầu & thách thức đặc thù. Các mối quan ngại về tâm lý xã hội, nghề nghiệp và khả năng sinh nở cũng như các tác dụng phụ dài hạn cần được lưu tâm & xử lý bởi những người có chuyên môn. Bệnh nhân nên trao đổi cởi mở với bác sỹ điều trị về khả năng sinh nở cũng như làm các xét nghiệm gene/di truyền. Khi kết thúc điều trị, bệnh nhân nên thực hiện lối sống lành mạnh như không hút thuốc, dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn để tăng cường cơ hội sống khỏe mạnh.

Các chuyên gia của Bệnh viện Raffles Singapore giải đáp thắc mắc về những việc Nên & Không nên làm trong thời gian điều trị ung thư:

1. Có cần ăn tăng cường đạm trước khi hóa trị?

Đối với bệnh nhân ung thư, đặc biệt là những người chuẩn bị hóa trị, quan trọng là phải duy trì chế độ ăn đủ dinh dưỡng. Bản thân ung thư đã làm bệnh nhân sụt cân do các nguyên nhân như ăn không ngon miệng, buồn nôn hoặc không dung nạp dưỡng chất khi bị khó nuốt ở bệnh nhân gặp vấn đề về đường tiêu hóa. Bệnh nhân suy dinh dưỡng không chỉ giảm sức mạnh & độ mềm dẻo của cơ thể mà còn đáp ứng hóa trị kém hơn đồng thời kèm theo các tác dụng phụ nặng nề hơn ảnh hưởng đến thời gian & chất lượng sống nói chung.

Chế độ ăn lành mạnh, cân bằng là cần thiết cho một cơ thể khỏe mạnh, dự trữ đủ sức để đương đầu với thuốc điều trị ung thư & các tác dụng phụ. Ăn nhiều chất đạm có thể giúp bệnh nhân tăng cường, duy trì tỷ trọng cơ & hệ miễn dịch.

2. Chất đạm giúp gì cho bệnh nhân trong thời gian điều trị?

Cơ thể cần đạm để liên tục gia tăng mô & sửa chữa các mô bị tổn hại.Tăng lượng đạm tiêu thụ trước khi hóa trị sẽ giúp bệnh nhân chóng lành vết thương & phục hồi sau phẫu thuật trước khi điều trị hóa chất. Bổ sung tiêu thụ đạm cũng giúp bệnh nhân dễ chịu đựng các tác dụng phụ của hóa chất hơn và giảm nguy cơ biến chứng.

3. Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn bao lâu trước khi điều trị hóa chất?

Bệnh nhân nên điều chỉnh chế độ ăn giàu đạm ngay khi có chẩn đoán ung thư và có kế hoạch điều trị hóa chất.

4. Bệnh nhân có nên tư vấn chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn?

Mấu chốt là duy trì chế độ ăn cân bằng. Không cần phải tăng quá nhiều đạm hoặc uống bổ sung đạm. Bệnh nhân nên ăn đạm mỗi bữa. Nếu bị sút cân nhiều hoặc không ăn được gì trong khi hóa trị, bệnh nhân nên tư vấn bác sĩ & yêu cầu gặp chuyên gia dinh dưỡng.

5. Bệnh nhân nên ăn loại thực phẩm nào?

Do khẩu vị của bệnh nhân suy giảm trong khi điều trị hóa chất, hoặc phản ứng với một số mùi vị, bệnh nhân có thể ăn bất kỳ đồ ăn nào nếu thích và lưu ý đến cân bằng dinh dưỡng với ăn nhiều trái cây, rau, đạm, ăn ít chất béo & thịt đỏ. Bệnh nhân nên ăn khi thấy đói, nên uống nhiều nước kể cả khi không muốn ăn. Các nguồn thực phẩm giàu đạm gồm cá, thịt gia cầm & trứng.

6. Bệnh nhân có cần kiêng loại thực phẩm nào trong lúc điều trị hóa chất không?

Hệ miễn dịch bị suy yếu trong quá trình điều trị hóa chất, khiến cho bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng, thậm chí một số tình trạng nhiễm trùng nặng có thể đe dọa tính mạng. Bệnh nhân không được ăn đồ chưa nấu kỹ (như cá sống, trứng lòng đào…) cũng như đồ ăn ở ở quầy mở (như ăn buffet, salad ở quầy tự chọn). Thịt & cá cần nấu kỹ, trái cây & rau cần được rửa sạch. Bệnh nhân cần tuyệt đối tránh ăn đồ thừa của bữa trước.

7. Bệnh nhân nên ăn gì sau khi kết thúc điều trị hóa chất?

Bệnh nhân cần tiếp tục duy trì chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, nhiều rau – trái cây, ít chất béo & thịt đỏ. Đã có những bằng chứng vững chắc về việc chế độ ăn nhiều rau & trái cây làm giảm nguy cơ một số bệnh ung thư bao gồm ung thư phổi, ung thư dạ dày – đường tiêu hóa. Một số nghiên cứu cho rằng chế độ ăn giàu chất xơ cũng làm giảm nguy cơ tái phát ung thư buồng trứng, ung thư vú & ung thư tiền liệt tuyến. Bệnh nhân cũng lưu ý đã có những nghiên cứu cho thấy tương quan giữa chế độ ăn nhiều thịt đỏ & thịt chế biến sẵn (như xúc xích, thịt hun khói, thịt muối…) với tăng nguy cơ ung thư dạ dày – đường tiêu hóa & ung thư tiền liệt tuyến.

Nguồn: Bệnh viện Raffles, Singapore

Nguồn tham khảo: https://www.rafflesmedicalgroup.com/health-resources/health-articles/breast-cancer-among-women-aged-35-and-below/

TIN MỚI

TIN MỚI