Làm sao để trẻ bỏ các thói quen ‘xấu’?

Một số thói quen “xấu” có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Có thể những thói quen này không hẳn là “xấu” khi các bé còn nhỏ vì chúng phát triển tự nhiên từ các phản xạ đầu đời. Tuy nhiên nó có thể được cho là “không đẹp” nếu đến tuổi trưởng thành vẫn không thể bỏ.

Mút tay

Mút tay là thói quen rất thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ nhũ nhi. Khi mút tay, não bộ trẻ sẽ được kích thích tạo ra một chất làm cho bé cảm thấy thư giãn và dễ chịu. Tuy nhiên, khi trẻ đã lớn mà vẫn còn ngậm mút tay sẽ trở thành “tật khó chữa”, vô hình chung sẽ gây nhiều bất lợi cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Phụ huynh nên tập cho bé dần bỏ thói quen mút tay trước 5 tuổi vì những lý do sau:

1. Khi trẻ cầm nắm sẽ tiếp xúc với nhiều loại vi rút, vi khuẩn bám trên tay khi bé khám phá thế giới xung quanh. Những vi khuẩn không được chào đón này sẽ theo nước bọt đi vào miệng khi bé ngậm mút tay.
2. Tùy thuộc vào tần suất, cường độ và thời gian ngậm, răng có thể bị xô lệch, chìa ra ngoài và gây ra hô vẩu.
3. Trẻ có thể gặp khó khăn trong việc phát âm chính xác các từ.
4. Hàm trên và hàm dưới có thể bị lệch và vòm miệng có thể bị dị dạng gây mất thẩm mỹ.
5. Tay bị nứt nẻ, chai sạn hoặc bị nhiễm trùng móng tay.

Bỏ thói quen mút tay

Trẻ nhỏ dưới hai tuổi đều có thể thoải mái thưởng thức các ngón tay của mình vì thói quen này mang lại cảm giác dễ chịu và thoải mái cho trẻ. Ngoài độ tuổi này, nếu bé có dấu hiệu răng cửa/hàm trên bắt đầu nhô ra, phụ huynh cần can thiệp để bé bỏ thói quen này.

Ờ tuổi mẫu giáo, môi trường giao tiếp bạn bè và các hoạt động ở trường lớp có thể giúp bé từ bỏ các thói quen. Nếu bé vẫn không thể từ bỏ, cha mẹ nên lưu ý xem bé có bị căng thẳng hoặc vấn đề tâm lý nào không để giúp bé giải quyết vấn đề này trước khi bé có thể từ bỏ thói quen tự xoa dịu bản thân. Trong trường hợp trẻ cần ‘cai nghiện’ thói quen này, phụ huynh có thể dùng khăn vải hay băng cá nhân quấn xung quanh ngón tay bé hay thoa một chất không độc hại và gây khó chịu cho bé.

Trẻ em nên được khuyến khích và khen ngợi. Bố mẹ có thể làm bảng thời khoá biểu treo tường và dán ngôi sao cho những nỗ lực của bé, ghi nhận bé đã làm rất tốt giúp động viên bé tiếp tục thay đổi thói quen.

Cắn móng tay

60% trẻ nhỏ và 45% thanh thiếu niên có thói quen này và đôi khi vẫn tiếp tục khi đến tuổi trưởng thành. Hành động cắn móng thay thường được thực hiện khi đang căng thẳng, buồn chán, mệt mỏi và ngay cả trong vô thức do.

Mặt dưới của móng tay chứa nhiều bụi bẩn. Do đó thói quen này, cũng như mút tay, sẽ đi kèm với thường xuyên viêm họng, hoặc viêm dạ dày/ruột, móng tay thường xấu xí, nứt nẻ và đôi khi còn bị nhiễm trùng.

Khi trẻ lớn hơn có thể nhận thức về việc móng tay của mình không khỏe mạnh hoặc bị nhiễm trùng, trẻ sẽ phải từ bỏ.

Quấn tóc

Giống như tất cả các thói quen khác, thói quen quấn tóc cũng xuất phát từ căng thẳng, lo lắng, buồn chán và tự an ủi bản thân. Thói quen này khá vô hại và thường tự khỏi trong thời thơ ấu.

Bố mẹ có thể giúp bàn tay của trẻ bận rộn hơn với những việc khác. Ví dụ, nếu bé đang chập chững đi, cầm một món đồ chơi trong tay và tay kia đang quấn tóc, thì mẹ hãy đưa cho bé một món đồ chơi khác hoặc rủ bé hát 1 bài sẽ giúp tay kia của bé bận rộng và làm bé quên hành động quấn tóc.

Hoặc thể cho trẻ đội mũ, hạn chế bé thường sờ tóc, cho trẻ đeo găng tay, quấn băng vải quanh ngón tay, khi đó bé không thể điều khiển ngón tay để quấn tóc, bé sẽ bỏ cuộc.

Ngoáy mũi

Có thể bé ngứa mũi do viêm mũi dị ứng, làm cho mũi luôn ngứa hoặc tiết ra nước mũi và đóng vảy. Việc ngoáy mũi thường xuyên có thể dẫn đến tổn thương và chảy máu mũi. Một khi lý do này đã được loại trừ, nó sẽ có nguồn gốc giống như với tất cả các thói quen khác.

Giống như quấn tóc, trẻ mới biết đi có thể bị phân tâm với các trò chơi bằng ngón tay, thổi bong bóng hoặc viết nguệch ngoạc hoặc vẽ. Nếu trẻ lớn hơn và biết nghe, bố mẹ có thể giải thích rằng đó là một thói quen không tốt. Thông thường, chảy máu mũi sẽ làm bé sợ và bé sẽ không dám làm nữa. Hoặc khi đi học, bạn bè sẽ trêu xấu và bé sẽ không làm nữa, ít nhất là ở nơi công cộng.

(Nguồn: Raffles Medical Group)