Bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm tác động đến các lớp niêm mạc ở mũi và họng. Trong giai đoạn tiến triển, bệnh có thể gây tổn thương tim, thận và hệ thần kinh. Ngay cả khi được điều trị, bệnh vẫn có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em. Ngày nay, bệnh bạch hầu có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine.

Triệu chứng

Biểu hiện của bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong vòng từ 2 – 5 ngày sau khi bị nhiễm vi khuẩn, bao gồm:

  • Xuất hiện các mảng dày màu xám ở họng và amidan
  • Đau họng, khàn tiếng
  • Sưng các hạch vùng cổ
  • Khó thở hoặc thở nhanh
  • Tăng tiết vùng mũi
  • Sốt và ớn lạnh
  • Cảm giác bứt rứt, khó chịu

Một số người nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng chỉ có một vài triệu chứng nhẹ hoặc không có dấu hiệu rõ ràng. Những trường hợp này được xem là những người mang mầm bệnh vì họ có khả năng lây truyền vi khuẩn cho người khác ngay cả khi bản thân không có biểu hiện bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu?

Những người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu:

  • Trẻ em và người lớn không được tiêm chủng đầy đủ
  • Sinh sống ở các vùng dân cư đông hoặc điều kiện vệ sinh kém
  • Đi du lịch đến các nơi có nhiều người mắc bệnh bạch hầu

Nguyên nhân

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn Corynebacterium Diphtheria gây ra. Loại vi khuẩn này thường nhân lên ở trên hoặc gần bề mặt hầu họng. Vi khuẩn lây truyền thông qua:

  • Giọt bắn trong không khí
  • Tiếp xúc với người mang mầm bệnh hoặc vật dụng cá nhân của họ.

Những người có nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng không được chữa trị, dù không có triệu chứng vẫn có thể lây nhiễm cho những người chưa được tiêm chủng.

Điều trị

Bạch hầu là một bệnh nặng thường phải nhập viện để điều trị. Người bệnh cần được cách li trong khu chăm sóc đặc biệt vì bệnh này dễ dàng lây lan cho những người chưa được tiêm ngừa.

Biện pháp phòng bệnh

Ngày nay, bệnh bạch hầu không chỉ có thể điều trị được mà còn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm ngừa vaccine. Hãy trao đổi với Bác sĩ của bạn về việc tiêm ngừa bệnh bạch hầu và lịch tiêm nhắc nếu bạn chưa chắc chắn về việc tiêm chủng của bạn.

(Nguồn: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diphtheria/diagnosis-treatment/drc-20351903)

TIN MỚI

TIN MỚI